Giới thiệu về Chùa Linh Ứng Non Nước
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Chùa Linh Ứng tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Chùa cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về phía Đông Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh bậc nhất ở miền Trung xưa nay. Một huyền thoại mà ngày nay còn lưu truyền trong dân gian là: Thuở trời đất còn hỗn mang, vợ Long Vương vượt biển Đông vào đây đẻ trứng trên bãi cát, nhờ thần Kim Quy bảo vệ. Qua nhiều năm tháng hấp thụ khí âm dương, một hôm, trời nổi sấm sét, đất chuyển ầm ầm, trứng rồng nứt vỏ. Một Long Nữ chào đời, bay thẳng về trời. Những mảnh vỏ trứng biến thành năm ngọn núi…
Vua Minh Mạng đặt tên các núi này là Ngũ Hành Sơn: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn.
Thủy Sơn có tên là núi Chùa hay núi Tam Thai là ngọn núi lớn nhất, cao 106m, rộng khoảng 15 hecta, có ba ngọn. Ngọn cao nhất phía Tây Bắc là Thương Thai, có các chùa Tam Thai, Tam Tôn, Từ Tâm, các hang động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Vọng Giang Đài và hành cung Động Thiên Phước Địa (nơi nghỉ ngơi của vua Minh Mạng). Trung Thai ở phía Nam thấp hơn, có hang Vân Nguyệt, các động Vân Thông, Thiên Long, hai cổng đá Động Thiên Phước Địa và Vân Căn Nguyệt Quật. Hạ Thai ở phía Đông, có chùa Linh Ứng, động Tàng Chân, 5 hang động nhỏ: Tam Thanh, Chiêm Thành (hang Hời), Bàn Cờ, hang Ráy, hang Gió, có Vọng Hải Đài, hang Ngũ Cốc (hang Lồng Đèn) và động Âm Phủ.
Ở phía Đông, có 123 bậc cấp lát bằng đá dẫn đến chùa Linh Ứng, thường được gọi là chùa Ngoài. Trước năm 1891, chùa có tên là Ứng Chân. chùa linh ứng ngũ hành sơn Sách Danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Hoàng, Đà Nẵng, 2000) cho biết vào đời Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) có Hòa thượng Quang Chánh, hiệu Bảo Đài đến tu tại động Tàng Chân. Ngài dựng am Dưỡng Chân, sau sửa chữa lại gọi là Dưỡng Chân đường. Đến đời Gia Long, Dưỡng Chân đường được đổi thành chùa Ứng Chân. Sau khi Vua Minh Mạng đến vãng cảnh chùa đầu tiên vào năm 1825 thì các ngôi chùa tranh tre ở đây mới được thay bằng gạch ngói. Vua đã ban cho chùa tấm biển có ghi Ngự chế Ứng Chân Tự, Minh Mạng lục niên. Đến đời Thành Thái, do kỵ húy tên một vị vua nhà Nguyễn nên chùa được đổi tên là Linh Ứng. Chùa còn tấm biển ghi Cải tứ Linh Ứng Tự, Thành Thái tam niên. Năm 1901, chùa bị cơn bão Tân Sửu tàn phá nặng nề.
Chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1993, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện đã tổ chức trùng tu ngôi chánh điện. Chánh điện xây kiểu chữ “Nhất”, bên phải là nhà tổ, giảng đường, nhà khách, nhà thiền và nhà trù. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Gian giữa thờ đức Phật Thích Ca, gian hai bên thờ Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng, phía ngoài có tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện. Trước chùa, Thượng tọa cho đắp tượng đức Phật Thích Ca cao 10m, xây đài Quan Âm, tạo vườn cây cảnh.
Năm 1997, Thượng tọa cho xây tháp Xá Lợi bên trái chùa, cao 30m, đường kính tầng dưới 11m, đặt thờ gần 200 tượng Phật, Bồ tát, La hán. Tầng 7 tôn thờ Xá lợi Phật và 7 vị Phật truyền đăng (Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Phù Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật). Tầng 4, 5, 6 thờ bảo tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và 84 tượng Đà La Ni. Tầng 3 thờ 33 vị Tổ truyền đăng Ấn – Hoa (từ Tổ Ca Diếp đến Tổ Huệ Năng). Tầng 2 thờ tượng Di Đà Tam Tôn, còn gọi là Tây Phương Tam Thánh (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí). Tầng 1 thờ tượng đức Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan cùng nhiều vị Bồ tát, La hán…
Ngoài nhiệm vụ trụ trì ngôi danh lam bậc nhất ở thành phố, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện còn đảm nhiệm Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP. Đà Nẵng, Chánh Đại diện Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn. Thượng tọa tiếp tục cho xây dựng một ngôi chùa Linh Ứng ở khu du lịch Bà Nà, thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km về phía Tây.
Nằm trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng và Tam Thai đã đón tiếp đông đảo du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái hằng ngày.
Dưới chân núi có làng nghề điêu khắc đá truyền thống nổi tiếng.
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Chùa Linh Ứng Sơn Trà Bãi Bụt:
Cuối cùng là ngôi chùa được mệnh danh là trẻ nhất, lớn nhất đẹp nhất và có tượng phật cao nhất. Chùa Linh Ứng Sơn Trà (Xem thêm: Bài thuyết minh 1 vòng bán đảo Sơn Trà) tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi, mặt nhìn ra biển Đông bao la, xa xa bên trái là đảo Cù lao Chàm án ngự, bên phải là ngọn Hải Vân ngăn che với dòng sông Hàn hiền hòa thơ mộng. Tọa lạc trên một ngọn đồi, mang hình con rùa hướng ra biển cả, lưng tựa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với bao chim thú, chùa Linh Ứng-Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà vừa được khánh thành không những được xem là một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI mà còn là nơi hội tụ của linh khí đất trời và lòng người.
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt được khởi công xây dựng từ tháng 07/2004 và khánh thành ngày 30/07/2010; đến nay chùa vẫn còn tiếp tục xây dựng thêm nhiều hạng mục. Chùa ở độ cao lưng chừng núi (núi Sơn trà cao khoảng 693 mét so với mực nước biển), với diện tích 20 héc ta, trên địa hình một bên núi, một bên biển. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là một quần thể nhiều hạng mục gồm chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường và thư viện…
Truyền thuyết kể rằng, vào thời vua Minh Mạng, dân chài nơi đây đã tìm thấy một tượng Phật trôi dạt từ biển vào, họ cho đó là điềm lành nên đã lập đền thờ tựcũng chính là nơi dựng lên chùa Linh Ứng ngày nay. Điều kỳ diệu là từ khi lập đền thờ tượng Phật thì trời yên biển lặng, ngư dân yên ổn làm ăn. Từ đó nơi đây có tên là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian nơi Quán Thế Âm độ thế, cứu khổ, giúp con người vượt qua khỏi vòng trầm luân.
Đặc biệt,chùa Linh Ứng nằm ở một vị trí mà đi từ rất xa trên đường ven biển Sơn Trà Điện Ngọc, du khách đã có thể nhìn thấy ngôi chùa với mái ngói xanh xanh nằm vững chãi bên sườn Đông của bán đảo.Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất của thành phố về cả mặt quy mô cũng như về mặt nghệ thuật.
Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và trẻ nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn được biết đến bởi là nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.
Kiến trúc: Ngôi chánh điện được lợp ngói mái uốn cong có hình rồng, những cột trụ to, vững chắc bao quanh bởi những con rồng uốn lượn rất tinh xảo. Đây là một biểu tượng truyền thống muôn đời nay của dân tộc ta. Điện chính có sức chứa lớn, là nơi trang nghiêm và thanh tịnh nhất. Chính giữa thờ tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên phải thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, và bên trái thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, cả ba pho tượng đều được làm bằng đồng. Bốn vị Thần Long Hộ pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp thành hai hàng hai bên đường theo một quy luật, bảo vệ cho chính điện. Mỗi vị là một hiện thân của những cung bậc cảm xúc khác nhau “hỉ, nộ, ái, ố” của con người khiến khung cảnh ở đây trở nên sinh động vô cùng. Đây là một trật tự mang tính quy củ và ý nghĩa tâm linh. Điểm nổi bật của ngôi chùa này là tượng Phật Bà Quan Âm lộ thiên tọa lạc trên ngọn đồi cao hơn 100 m, nhìn về Tổ đình Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.
Tượng Phật bà Quan Thế Âm cao 67m: Điểm nhấn quan trọng của Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là tượng Phật Quán Thế Âm được xem là cao nhất Việt Nam (67m). Tượng đứng tựa lưng vào núi mặt hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lộ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa, mang theo bao lời cầu mong về một vụ mùa sóng yên biển lặng và quốc thái dân an. Những ngư dân lênh đênh trên biển mỗi khi nhìn vào đất liền, thấy Phật Bà thì lòng cũng vững chãi hơn trên từng đợt sóng dâng cao.
Công trình hoành tráng này do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công. Trên mão tượng Quán Thế Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Có đường kính tòa sen rộng 35m. Đường kính trong lòng tượng rộng 17m, chiều cao có 17 tầng và mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng vẻ mặt tư thế khác nhau gọi là “Phật trung hữu Phật”. Ngoài các cửa thông gió, tầng 17 trên cùng có cầu thang thông lên đỉnh đầu tượng.
Người dân vùng biển nơi đây vẫn hay truyền miệng nhau về sự linh diệu, kỳ lạ của Đức Quan Âm cứu khổ cứu nạn trấn vùng biển Đông này nên cứ vào ngày rằm, mồng một hay các ngày lễ lớn, người lên đây cầu nguyện trước tượng Phật Quan Âm rất đông. Và thật kỳ lạ, từ lúc xây dựng tượng Phật Quán Thế Âm ở đây thì đã có rất nhiều câu chuyện huyền bí đã xảy ra. Từ việc có những ánh hào quang liên tục xuất hiện trên vùng trời phía sau bức tượng Quán Thế Âm và những câu chuyện tâm linh, đến những sự trùng hợp ngẫu nhiên bí ẩn…
Theo như lời các nhà sư trong chùa Linh Ứng – Bãi Bụt kể, từ lúc xây chùa đến nay thì họ đã chứng kiến 13 lần ánh hào quang 7 sắc xuất hiện và tỏa sáng rực rỡ trên đầu tượng Phật Bà Quan Âm. Nhiều Phật tử ở chùa Linh Ứng cho biết, vào một buổi trưa tháng 8/2008, trong lúc điêu khắc gia Thụy Lam chỉ đạo thợ tháo bỏ các giàn giáo trước mặt Phật Bà để chỉnh sửa lần cuối cùng thì bất ngờ, một ánh hào quang lớn xuất hiện và kéo dài hơn một giờ đồng hồ trên đầu bức tượng Phật Quán Thế Âm khiến ai nấy đều kinh ngạc, sững sờ.
Sau đó, ánh hào quang còn xuất hiện thêm nhiều lần nữa trên tượng Phật Bà và tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào ngày lễ Phật Đản năm 2009, lễ hội Quán Thế Âm, ngày lễ Vu Lan và gần đây nhất là lúc 17h30 ngày 25/08/2013, sau một cơn mưa nhỏ đã xuất hiện một cầu vồng kép ngũ sắc rực rỡ trên một vùng trời rộng lớn làm nhiều người chứng kiến phải ngỡ ngàng, kinh ngạc. Hình ảnh này còn có ý nghĩa tâm linh hơn khi một đầu cầu vồng xuất phát từ tượng phật Bà Quan Âm ở chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, còn đầu kia ở chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn, nhiều người cho rằng cầu vồng kép này đã nối hai ngôi chùa Linh Ứng lại với nhau… Tổng cộng vầng hào quang xuất hiện ở chùa Linh Ứng tất cả là 13 lần.
Hiện tượng ánh sáng xuất hiện trên tượng Phật Bà Quan Âm khiến cho người dân Đà Nẵng nghĩ rằng Phật đã về chứng giám cho lòng thành của họ và kể từ đó hầu hết người dân Đà Nẵng đều đặt niềm tin tâm linh của mình vào ngôi chùa linh thiêng này…
Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng “màu nhiệm” này trên, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, cho biết: “Nếu xét về phương diện khoa học thì đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng mặt trời, nhưng với 13 lần xuất hiện một cách trùng hợp đến bí ẩn trong các ngày lễ của Phật như vậy thì quả là một hiện tượng xưa nay hiếm thấy và chưa từng xảy ra ở các nơi khác…”.
Kể từ lúc xây chùa Linh Ứng, nhất là khi có ánh hào quang xuất hiện thì người dân kéo đến chùa mỗi lúc một đông hơn. Giờ đây, không chỉ người dân Đà Nẵng mà còn nhiều Phật tử ở các tỉnh lân cận lên chùa để cầu nguyện trước tượng Quan Âm, mong mọi điều ước nguyện của mình thành hiện thực. Đặc biệt là những gia đình ngư dân, mỗi lần có người nhà đi biển thì họ đều lên chùa khấn lạy, cầu nguyện trước tượng Phật Quan Âm và cảm thấy vững tâm hơn khi nghĩ sẽ có Phật Bà dõi theo, phù hộ cho họ mỗi lần vượt sóng ra khơi. Cô Võ Thị Tư, một Phật tử cho biết: “Gia đình tôi có người đi biển nên tôi thường hay lên đây để cầu nguyện trước tượng Mẹ (Quan Thế Âm Bồ Tát) và mong Mẹ phù hộ cho người nhà đi biển được bình an, cho gia đình sức khỏe và con cái thành đạt… Vào các ngày lễ, mọi người kéo về đây khấn nguyện trước tượng Mẹ đông lắm, có khi đến hơn 10 nghìn người, cả khuôn viên rộng lớn thế này không có chỗ mà quỳ lạy luôn, nhiều người còn đến đây từ rất sớm để mong có được một chỗ tốt nhất để cầu nguyện dưới tượng Mẹ Quan Thế Âm! ”.
Những điều kỳ lạ:
Có một sự trùng hợp đến kỳ lạ là từ khi xây ngôi chùa Linh Ứng cùng với tượng Phật Bà Quan Âm thì dường như mọi việc của Đà Nẵng đều được tiến hành thuận lợi. Từ việc nhỏ như di chuyển làng phong Hòa Vân từ dưới chân đèo Hải Vân vào đất liền đến những việc lớn như xây dựng mấy cây cầu bắc qua sông Hàn, hay việc xây dựng bệnh viện ung bướu hiện đại nhất miền trung đã nhen lên hy vọng cho hàng nghìn người bị bệnh nan y… Vì vậy, chùa Linh Ứng và tượng Phật Bà Quan Âm cũng trở nên linh thiêng hơn trong tâm thức của mọi người.
Lại có những câu chuyện khá vui được lưu truyền trong dân gian, đó là việc nhiều người dân Đà Nẵng cho rằng, nhờ có tượng Phật Quan Thế Âm ở chùa Linh Ứng-Bãi Bụt mà nhiều khi bão không đổ vào Đà Nẵng. Có người vui miệng nói đùa: “Chắc tại hôm nay Phật Bà không có nhà thôi…”, nhưng cũng có không ít người vẫn tin tưởng rằng: “Nhờ tượng Phật Quan Âm mà tâm bão mới không vào Đà Nẵng…”. ngũ hành sơn kite travel Giờ đây thì dường như việc gì Đà Nẵng đạt được, tránh họa được, trong suy nghĩ của người dân cũng thường hay gắn với hai chữ “tâm linh”.
“Chuyện tâm linh thì không nên nói nhiều, vì nó tùy thuộc vào niềm tin của mọi người vào Đức Phật mà thôi… Nhiều người tin vào Phật giáo thì cho rằng những chuyện kỳ diệu vừa xảy ra ở chùa Linh Ứng nói riêng và tại Đà Nẵng nói chung đều là nhờ vào Phật độ trì, còn những người chưa tin hoặc không tin vào Phật thì bảo đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Tất nhiên thì mỗi người đều có quyền suy nghĩ khác nhau về Phật và cũng có những điều trong tâm hồn mà không phải lúc nào cũng nên lý giải bằng khoa học… Nhưng theo quan điểm của riêng mình, tôi nghĩ rằng nhiều lời đồn đoán nhờ tượng Phật Quán Thế Âm phù hộ mà bão không vào Đà Nẵng là không đúng lắm, vì như vậy sẽ là trái với lời dạy và tâm niệm của Đức Phật, bởi dưới trần gian này, bất kỳ ai cũng đều là con cháu của Đức Phật nên cũng được Đức Phật che chở, độ trì như nhau cả…”- Hòa thượng Chúc Trí ở chùa Linh Ứng-Bãi Bụt chia sẻ.
Có thể tất cả mọi chuyện trên đều là sự ngẫu nhiên mà những người có tín ngưỡng đã tin rằng thần phật đã linh ứng. Nhưng cũng biết đâu có một sự “tâm linh” huyền bí nào ở đây? Nhưng dù sao đi nữa thì niềm tin vào Đức Phật và sự thành kính này cũng là khuyến thiện và cũng còn rất nhiều điều bí ẩn về “tâm linh” mà không phải khoa học chưa thể lý giải được…
Ngày nay, Chùa Linh Ứng Non Nước không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng của khách du lịch trong và ngoài nước mà còn là địa điểm du lịch Đà Nẵng không thể thiếu trong các tour du lịch Đà Nẵng.
https://maps.google.com/url?q=http://kitetravel.vn/